Thứ Ba, 12 tháng 3, 2013

Quê Hương


Sinh ra tại Xã Cảnh Dương Huyện Quảng Trạch Tỉnh Quảng Bình bên Cạnh Dòng sông Loan lớn lên cùng nắng cháy bãi cát nắng quê Hương !


Cảnh Dương - “Làng kháng chiến”
Trong ca khúc vượt thời gian “Quảng Bình quê ta ơi”, nhạc sĩ Hoàng Vân ca ngợi: “Có ai về Cảnh Dương, quê tôi đứng nơi đầu sóng gió, truyền thống đánh giặc giữ làng mãi mãi còn đây...”. Và tôi đã về Cảnh Dương trong một buổi sáng cuối năm để nghe các bậc lão thành kể chuyện đánh Pháp năm xưa, thật hào hùng như một sử thi của làng biển...



Trên đường thiên lý Bắc Nam, qua đèo Ngang chưa đầy 10km về phía Đông Nam, đứng trên cầu Roòn nhìn về hướng biển, thấy một vùng quê trù phú xinh đẹp, tấp nập thuyền bè vào ra. Đó là xã Cảnh Dương anh hùng, được mệnh danh là “Pháo đài thép” trong những năm kháng chiến chống Pháp.
Xã Cảnh Dương (thuộc huyện Quảng Trạch-Quảng Bình), xưa thường gọi là làng. Một “Làng chiến đấu” điển hình của cả chiến trường Liên khu 4. Làng có diện tích chưa đầy 1km2, với 5.000 dân nhưng đã anh hùng bất khuất đương đầu với 120 trận càn lớn nhỏ của kẻ thù, trong đó có những trận càn với quy mô cỡ trung đoàn, có sự tham gia tác chiến của cả thủy, lục, không quân… Bom đạn và sự tàn bạo dã man của địch không thể nào khuất phục được ý chí, lòng dũng cảm mưu trí của người dân Cảnh Dương.
Giặc Pháp biết Cảnh Dương là nơi tập kết hàng hóa, vũ khí của ta từ Thanh-Nghệ-Tĩnh vào qua đường biển, từ đó vận chuyển vào mặt trận Bình-Trị-Thiên. Đã nhiều lần chúng muốn nhổ cái gai trước mắt, chặn đường tiếp tế và lập bàn đạp lên vùng chiến khu Tuyên Hóa nhưng chưa được. Địa thế Cảnh Dương hiểm yếu, được bao bọc bởi sình lầy, sông ngòi và những lùm dứa dại cao to, kín mít. Xóm cách xóm, nhà cách nhà bởi những bức tường xây lệch. Ngoài nhìn vào không thấy trong, ở giữa không nhìn được xung quanh. Nhà đục tường thông nhà, hệ thống vật cản, công sự chiến đấu, vị trí quan sát được xây khá hoàn chỉnh từ những ngày đầu “Toàn quốc kháng chiến” năm 1946.
Phong trào “Quyết tử giữ làng” được nhân dân đồng lòng hưởng ứng: Thuyền đánh cá cỡ lớn được đánh đắm ở cửa sông để chặn tàu giặc. Thùng lớn đựng nước mắm được đổ đầy cát dựng công sự. Hệ thống phòng thủ còn được chất nhiều lớp đá san hô, cây dương liễu, chum vại. Nhà nào cũng đào hầm bí mật. Vỏ chai, đồng, sắt được gom lại chế tạo vũ khí. Nhân dân không những đóng góp tài sản, tiền bạc mà còn kề vai sát cánh cùng các đội du kích đánh giặc bằng đại đao và mìn tự tạo. Những người già yếu đi tản cư, còn lại mỗi người dân ở đây là một chiến sĩ sẵn sàng đánh địch bảo vệ xóm làng.
Biết bao lần kẻ thù hung hãn mưu toan “san phẳng” Cảnh Dương nhưng đều thất bại thảm hại. Nổi bật nhất là trận chống càn của quân và dân Cảnh Dương ngày 12-7-1948. Hôm đó, địch tấn công ra Cảnh Dương bằng 3 cánh quân với lực lượng hơn 1.000 tên, 31 xe cơ giới, 12 máy bay và 8 tàu chiến, ca-nô. Cánh thứ nhất từ Ba Đồn theo Quốc lộ 1A đánh vào phía Nam. Cánh thứ hai bằng không quân chở lính dù đổ bộ xuống vùng Tây Bắc. Cánh thứ ba địch sử dụng tàu chiến, ca-nô tấn công bằng đường biển. Sau khi dùng hỏa lực từ biển cấp tập bắn vào làng để uy hiếp, các cánh quân Pháp tiến vào, tạo thành gọng kìm hòng xóa sổ làng Cảnh Dương bất khuất.
Sau khi cấp tập nã pháo vào làng, bộ binh địch tràn vào theo hướng Tây Nam. Chờ những tên lính đầu tiên lọt vào ổ phục kích, tổ đánh bom ở cổng làng giật dây nhưng bom không nổ, địch phá cổng vào làng. Du kích bình tĩnh ném lựu đạn vào giữa đội hình địch, nhiều tên chết và bị thương. Bọn địch lùi ra khỏi cổng đi vòng đường bờ sông để vào làng.
Đồng chí Phạm Kế, đại đội phó du kích phụ trách tổ đánh bom lừa cho đội hình địch co cụm mới ra lệnh giật dây. Bom nổ 2 quả làm chết 11 tên lính Pháp, trong đó có một tên quan ba, nhiều tên bị thương bỏ chạy, vấp phải mìn và hố chông lại bỏ mạng thêm. Du kích thừa thắng xông lên, dùng lựu đạn, đại đao và cả mảnh sành chum vại, gạch ngói tấn công. Giặc Pháp quá hốt hoảng, lại không thuộc địa hình đường sá nên càng lúng túng. Các chị phụ nữ đã đập vỡ hàng chục cái chum đựng mắm để dùng mảnh sành “bẫy” địch. Các em thiếu nhi băng qua làn đạn giữ liên lạc giữa chỉ huy và các tổ…
Sau hơn một ngày đêm ngoan cường chiến đấu với một đội quân thiện chiến mạnh hơn nhiều lần về quân số và trang bị, hỏa lực, du kích đã bảo vệ được quê hương, bảo toàn được lực lượng. Chỉ có một số đồng bào tản cư sang bờ Bắc bị địch sát hại. Nhân dân lấy ngày 12-7 hằng năm làm “Ngày căm hờn” để khắc ghi tội ác của thực dân Pháp xâm lược.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét