Thứ Ba, 12 tháng 3, 2013

Tục lệ xin lửa đêm 30 chỉ có ở Cảnh Dương


Trích nguồn:
Làng Cảnh Dương (tỉnh Quảng Bình) từ lâu có tục xin lửa vào đêm 30 Tết. Làng nằm ngay dưới chân Đèo Ngang, thuộc huyện Quảng Trạch; một bên là quốc lộ 1A, một bên là biển cả.
Hình này đã được thu nhỏ. Click vào đây để xem hình đầy đủ. Kích thước ảnh thật là 960x720.


Con em Cảnh Dương dù đi đâu, làm gì cũng vẫn luôn nhớ về làng quê mình, nơi nổi tiếng với các làn điệu hò khoan, hát ru, chèo cạn; với những lễ hội đặc sắc đã đi vào tâm thức người dân miền biển như lễ hội đánh cờ người vào ba ngày Tết, lễ hội Cầu ngư đêm rằm tháng giêng…

Giữa các lễ hội ấy, nổi lên một tập tục mà trải qua hơn 350 năm lập làng người Cảnh Dương vẫn gìn giữ trao truyền đến ngày nay, đó là tục xin lửa đêm 30 Tết.

Nghi lễ xin lửa được chuẩn bị cẩn thận từ nhiều ngày trước đó. Xưa kia cứ đến những ngày giáp Tết thì làng cắt cử những trai tráng khỏe mạnh nhất, chưa có gia đình lên rừng, đẵn lấy những gộc gỗ to, cháy đượm, tro tàn trắng mịn kéo về, chất thành đống trước đình tổ làng.

Hình này đã được thu nhỏ. Click vào đây để xem hình đầy đủ. Kích thước ảnh thật là 960x720.

Vào chiều ba mươi Tết, ban tế lễ do làng cử ra, gồm toàn những cụ già cao niên nhất, có uy tín nhất làng cho chuẩn bị sẵn hương án trong đình. Đến đêm giao thừa, ngay từ chập tối, dân làng kéo đến đông đủ, nhà ít nhất thì có một người đại diện, đông thì có khi cả nhà. Tất cả mọi người cùng vây tròn quanh đống củi. Người chủ gia đình cầm trong tay một cây bùi nhùi quấn kỹ.

Khi thời khắc giao thời thiêng liêng tiễn năm cũ, đón năm mới đến, một hồi trống trang nghiêm cất lên, ban tế lễ vào làm lễ trước hương án trong đình, thắp hương lên lư trầm thành khẩn khấn cầu các bậc tiên tổ của làng anh linh phù hộ độ trì cho con cháu được một năm làm ăn khấm khá, “cá được ruốc dày”.

Thời khắc ấy, tất cả mọi người đều nghiêm trang thành kính hướng về tổ tiên, ông bà. Sau khi khấn xong, làng cử ra một cụ già đức cao vọng trọng, con cháu đề huề, đủ trai đủ gái… nghĩa là người đại diện cho làng, cầm bó nhang châm vào lư trầm trước bàn thờ tổ. Nhang cháy, cụ già cầm ra sân đình, châm vào đống củi gộc vun sẵn trước sân.

Ngọn lửa bốc cao, soi tỏ mặt từng người quanh đống lửa. Lần lượt từng gia đình một, theo thứ tự trong làng tiến đến, châm cây bùi nhùi của gia đình vào đống lửa. Rồi tất cả tản ra, trở về nhà mình. Trong bóng tối, những ngọn đuốc nhấp nhô theo tay người cầm tỏa rạng như những dòng ánh sáng chảy theo từng đường làng ngõ xóm.

Ngọn lửa được lấy từ đống lửa trước đình tổ sẽ được châm vào hương cắm trên bàn thờ mỗi gia đình, ngọn lửa cũng được đưa xuống bếp để người dân Cảnh Dương nấu đồ cúng tổ tiên trong đêm ba mươi và được duy trì trong bếp lửa đến tận ngày hôm sau.

Tự thuở xưa, người dân chài suốt ngày lênh đênh trên sóng nước, việc duy trì được ngọn lửa trong bếp nhà mình cũng như trên con thuyền trôi nổi rất khó khăn. Trong tín ngưỡng dân gian, ngọn lửa thường mang ý nghĩa tượng trưng cho ánh sáng, cho sự may mắn và no ấm. Vì thế, tập tục lấy lửa đêm 30 Tết, đem ngọn lửa từ đình tổ về thắp sáng trong nhà mình của người dân Cảnh Dương còn là sự thể hiện tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, đem ánh sáng tổ tiên phù hộ về cho nhà mình trong năm mới.

Người ta cho rằng đưa được ngọn lửa lấy từ đình tổ về nhà, gia đình sẽ gặp may mắn cho vụ mùa ra khơi năm tới, con cháu ăn ra làm nên, học hành tấn tới, hạnh phúc thành đạt. Nét đặc sắc của tập tục xin lửa còn nằm ở sự củng cố tính cố kết cộng đồng, nhắc nhở con cháu mai sau mãi mãi không quên nguồn cội từ một gốc tích ông cha mà ra cũng như trăm ngàn cây đuốc mỗi người cầm tay đều xin lửa từ ngọn lửa trong đình tổ.

Vì thế tục “xin lửa” ở Cảnh Dương vẫn được lưu truyền cho tới ngày nay, với nghi thức không đổi khác là mấy. Điểm khác biệt bây giờ chính là vào độ cuối năm trai tráng không cần lên núi chặt gộc củi nữa, công việc chuẩn bị cho nghi lễ lấy lửa là trách nhiệm của chính quyền xã. 11g30 đêm, nghi lễ bắt đầu và kết thúc đúng vào thời khắc giao thừa. Từ lúc đó cho đến sáng, cả làng biển Cảnh Dương rộn rã tiếng hát, tiếng hò đón mừng năm mới.

Mùng một, làng lại tiếp tục vui với các lễ hội xuân khác, cứ thế đến hết ba ngày Tết…

0 nhận xét:

Đăng nhận xét